Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư:  Ngày 20/9/2017, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Chương trình hợp tác kinh tế Tiểu vùng Mê Kông mở rộng lần thứ 22 (GMS 22) với sự tham dự của các Bộ trưởng, Trưởng đoàn 6 nước GMS, Phó Chủ tịch Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), lãnh đạo cấp cao các nước GMS, các đối tác phát triển quan tâm và hỗ trợ cho khu vực GMS… Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tham dự và chủ trì Hội nghị.

 

 Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá, Chương trình hợp tác GMS là một sáng kiến nổi bật và thành công nhất trong số các sáng kiến về hợp tác và hội nhập khu vực. Chương trình ngày càng phát triển mạnh mẽ, cả chiều rộng và chiều sâu, bao gồm các chương trình, dự án, hoạt động hợp tác ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế – xã hội của các nước thành viên GMS. Chương trình hợp tác GMS đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ, tạo ra sự kết nối sâu rộng giữa các nước thông qua các dự án kết nối hạ tầng giao thông, điện năng, du lịch, phát triển nông nghiệp, bảo vệ môi trường, phát triển nguồn nhân lực,… củng cố rõ nét các kết nối cộng đồng và góp phần tăng cường đáng kể khả năng cạnh tranh của các nước khu vực GMS. Thời gian 25 năm qua đã chứng kiến sự cố gắng, nỗ lực của tất cả các nước GMS trong việc mở rộng và phát triển sự liên kết giữa các nền kinh tế, cùng tận dụng các cơ hội nhằm nâng cao tốc độ tăng trưởng của từng quốc gia, góp phần thúc đẩy thịnh vượng chung và sự ổn định trong khu vực, cùng quản lý và chia sẻ những lợi ích mà dòng sông Mê Kông đem lại cho mỗi quốc gia.

 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao vai trò của ADB trong sự thành công chung của Chương trình hợp tác GMS. Không chỉ là tổ chức khởi xướng sáng kiến, ADB còn đóng vai trò điều phối, cố vấn, chất xúc tác hiệu quả trong quá trình thực hiện sáng kiến. Đồng thời là đối tác phát triển lớn nhất của các nước GMS trong việc cung cấp sự hỗ trợ tích cực, cả về kỹ thuật và tài chính, từng bước hiện thực hóa những nội dung liên kết trong sáng kiến hợp tác GMS.

 

Trong khuôn khổ sáng kiến hợp tác GMS, nhiều văn kiện hợp tác quan trọng đã được thông qua: Hiệp định tạo thuận lợi cho hành khách và hàng hóa qua biên giới (CBTA), Khung chiến lược hợp tác 10 năm và Khung đầu tư tiểu vùng 10 năm giai đoạn 2012-2022; Kế hoạch thực hiện Khung đầu tư tiểu vùng giai đoạn 2014-2018; Khung hợp tác chiến lược cho phát triển nguồn nhân lực, môi trường, phát triển đô thị khu vực GMS…

 

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức phía trước. Để thực hiện có kết quả các nội dung hợp tác GMS, các nước GMS cần hợp tác chặt chẽ, nỗ lực hơn nữa để huy động nguồn lực từ các đối tác phát triển, kêu gọi sự tham gia tích cực hơn nữa của thành phần kinh tế tư nhân, tạo động lực và niềm tin cho hợp tác GMS trong thời gian tới.

 

Tại Hội nghị, các nước GMS cùng nhau xem xét đưa ra định hướng xây dựng và hoàn thiện Khung Kế hoạch hành động 5 năm, còn gọi là “Kế hoạch hành động Hà Nội” có vai trò quan trọng nhằm hiện thực hóa Khung chiến lược hợp tác GMS từ nay đến năm 2022. Kế hoạch hành động Hà Nội dự kiến sẽ được các nhà lãnh đạo các nước GMS xem xét và thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh GMS lần thứ 6 tổ chức vào tháng 3/2018 tại Việt Nam. Ngoài ra, các nước GMS cũng rà soát Khung chiến lược và kế hoạch hành động về phát triển nguồn nhân lực GMS giai đoạn 2013-2017 bao gồm đề xuất thành lập Nhóm công tác về hợp tác y tế GMS. Đặc biệt, Hội nghị đã thảo luận và thông qua Khung đầu tư tiểu vùng giai đoạn 2018-2022 (RIF 2022), bao gồm danh mục 222 chương trình, dự án đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật với tổng trị giá khoảng 64 tỷ USD, kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng các đối tác phát triển và khu vực kinh tế tư nhân nhằm giúp các nước GMS hoàn thành các chương trình dự án, ưu tiên quốc gia trong giai đoạn 2018-2022.

 

Các Bộ trưởng đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Chiến lược Giao thông GMS mới nhằm mục đích xây dựng một hệ thống giao thông GMS liền mạch, hiệu quả, đáng tin cậy và bền vững. Mục tiêu này sẽ đạt được thông qua việc cải thiện các tuyến kết nối với Nam Á và những nơi khác ở Đông Nam Á, thúc đẩy giao thông xuyên biên giới, tăng cường kết nối giao thông liên phương thức và phát triển dịch vụ giao nhận hậu cần, đồng thời nâng cao an toàn giao thông đường bộ. Các Bộ trưởng đã hoan nghênh những tiến triển hướng tới việc chính thức thành lập Văn phòng điều phối du lịch Mê Kông như một tổ chức liên chính phủ. Trong lĩnh vực nông nghiệp, các Bộ trưởng hoan nghênh việc Hội nghị các Bộ trưởng Nông nghiệp GMS lần thứ hai đã thông qua một chiến lược nhằm thúc đẩy các sản phẩm nông nghiệp an toàn và thân thiện với môi trường, cũng như một kế hoạch để tăng cường sự hội nhập vào chuỗi giá trị, với sự tham gia của các nông hộ nhỏ, phụ nữ nông thôn và các doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp vừa và nhỏ. Chiến lược Du lịch GMS 2016-2025 cũng được thông qua để tạo điều kiện cho việc phát triển các điểm đến cạnh tranh hơn, cân bằng và bền vững./.

 

VietNam Consulate

VietNam Consulate